Bạo Lực Học Đường Là Gì? – Vì Đâu Đến Nông Nỗi?

Bạo lực học đường là hiện trạng học sinh gây gổ đánh nhau trong trường lớp, là giáo viên bắt ép học sinh bằng những hình thức “tàn nhẫn”, là một hiện tượng đáng lên án trong quá trình tha hóa và xuống cấp của ngành giáo dục hiện nay. 

Đã bao giờ bạn chịu ngồi nghe con cái tâm sự về những vấn đề các con gặp phải trong những ngày đến trường? Đã bao giờ bạn hỏi con đi học có bị bạn bè hay thầy cô bắt nạt hay không? Đã bao giờ bạn đặt mình vào vị trí của con để tìm hiểu nguyên nhân tại sao không dám đến lớp? Và đã bao giờ bạn nghĩ rằng hiện nay, tình trạng bạo lực học đường đang xảy ra ngày càng nhiều, nó đang dần thay thế những hành động ý nghĩa của môi trường sư phạm? Đã đến lúc bạn dành thời gian cho con nhiều hơn, thấu hiểu con hơn để lên án những hành động sai trái ấy!

bạo lực học đường
Bạo lực học đường hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh

1. Thực trạng bạo lực học đường đáng lên án

1.1. Những con số thống kê trong ngành giáo dục 

Chắc hẳn rằng mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con em mình được sống và học tập trong một môi trường lành mạnh, thế nhưng đâu đó, vẫn còn rất nhiều những hiện tượng bạo lực xảy ra, khiến cho cuộc sống của các em bị đảo lộn. Những con số dưới đây chắc hẳn sẽ khiến bạn bất ngờ:

“Số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cũng theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cứ khoảng trên 5.200 học sinh (HS) thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau”

Với tình trạng bạo lực học đường xảy ra liên tục với cấp độ ngày càng cao, rất nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng cho con em mình. Không những chỉ là xích mích giữa các em học sinh với nhau mà tình trạng bạo lực học đường còn thể hiện qua những hành động côn đồ của thầy, cô giáo.

1.2. Những minh chứng khủng khiếp có lẽ bạn chưa biết!

Những con số thống kê trên đã phần nào giúp bạn nhận ra những mối đe dọa về tình trạng bạo lực luôn xảy ra xung quanh cuộc sống của con em mình. Thử hỏi làm sao các em đi học trong nỗi lo lắng sẽ bị thầy đánh, bạn đánh? Chắc bạn đã từng nghe nhiều về tình trạng học sinh đánh nhau dẫn đến thương tích, cô giáo bắt học sinh phải uống nước giẻ lau bảng, cô giáo phạt học sinh quỳ dưới nắng??? Chỉ nghe đến đây thôi tôi đã cảm thấy thực sự ức chế đối với một số thành phần “thừa thãi” trong xã hội.

bạo lực học đường
Những hình ảnh ghi lại cảnh thầy cô bạo lực học sinh gây chấn động

2. Nguyên nhân nào dẫn đến bạo lực học đường?

2.1. Mâu thuẫn giữa học sinh với nhau

Có một điều dễ hiểu rằng, khi sống chung trong một môi trường, mỗi người mỗi tính cách thì rất dễ dẫn đến mâu thuẫn. Thế nhưng giải quyết mâu thuẫn đó bằng cách nào mới là điều quan trọng. Hiện nay, với sự xuất hiện của nhiều thể loại game hành động như bắn súng, đấm đá… nó đã phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh khi đến trường. Đơn giản thôi, các em học sinh đều trong độ tuổi tâm sinh lý thay đổi, cứ nghĩ cuộc sống ngoài đời thường cũng giống trong game, và thế là mọi mâu thuẫn đều giải quyết bằng nắm đấm.

Thông thường những mâu thuẫn giữa học sinh dẫn đến bạo lực học đường thường đơn giản lắm. Đó có thể là vì ánh mắt nhìn nhau không thân thiện, lỡ va quẹt nhau trong lớp… thế là lại dùng nắm đấm để giải quyết. Cũng còn nhiều nguyên nhân khác mà các cô cậu tuổi mới lớn hay gặp phải, đó là thích thể hiện, không thích cách ăn mặc, ganh tỵ, hay đơn giản chỉ là vì “tại sao lại dành người yêu của tao?”.. Nói thì thật đơn giản nhưng đến lúc bạn cần giáo dục con để có môi trường học tập lành mạnh.

bạo lực học đường
Tình trạng bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều

2.2. Thầy cô cũng là nguyên nhân của tình trạng bạo lực

Như tôi đã trình bày ở trên, thực trạng hiện tại của việc bạo lực học đường không chỉ xuất hiện ở học sinh mà chính giáo viên cũng là người đáng trách trong môi trường sư phạm. Khi đọc những bài báo với tiêu đề” Xôn xao vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng” hay “ Thực hư vụ việc cô giáo phạt học sinh quỳ gối dưới nắng”…. Tôi thật sự có cảm giác rùng mình với những danh xưng nhà giáo như vậy!

Dẫu biết rằng học sinh thời nay không còn ngoan hiền và kính nể thầy cô như những giai đoạn trước, thế nhưng cách giải quyết vấn đề tôi nêu trên hoàn toàn không hợp lý, và cả không hợp tình nữa! Nhà giáo là một trong những ngành nghề đáng trân quý, do đó, bạn đừng vì bất kì một lí do nào mà làm mai một đi ý nghĩa của những người sư phạm.

3. Những hành động côn đồ xuất hiện ngày càng nhiều

3.1. Trai đánh nhau đã đành, các nàng cũng không thua kém

Tôi thường hay nói rằng, nam nhi đánh nhau là chuyện xưa rồi, giờ đến các nàng cũng không thua kém là mấy! Bạn chỉ cần research trên google những biểu hiện của bạo lực học đường, hàng loạt những video theo tôi là “khủng khiếp” tràn lan trên mạng xã hội. Tà áo dài đẹp là thế, ý nghĩa là thế, nhưng các nàng lại nỡ lòng xé toang nó không ngần ngại.

Bạo lực học đường là biểu hiện cụ thể của những hành động mang tính thù địch, là những cảm xúc uất hận dẫn đến biểu hiện những lời nói tục tĩu, đe dọa, vu khống… mà nặng hơn cả là đánh nhau gây thương tích.

3.2. Những biểu hiện của bạo lực học đường

Bạo lực học đường không chỉ đơn thuần là đánh nhau hội đồng hay chửi mắng mà nó còn tồn tại ở rất nhiều dạng khác nhau. 

3.2.1. Bạo lực thể chất

Biểu hiện của bạo lực thể chất chính là những hành động giống như tôi đã nêu ở trên. Đó là xô xát, đánh nhau, xé rách quần áo, tấn công bạn bè bằng hung khí…Những hành động này thường xuất phát do có người rủ rê, lôi kéo để cùng tấn công 1 nạn nhân.

3.2.2. Bạo lực tinh thần

Nếu như bạo lực thể chất khiến cho con người ta đau đớn thể xác thì bạo lực học đường sẽ để lại rất nhiều tổn thương cho con trẻ. Một trong số những biểu hiện của bạo lực tinh thần đang đe dọa con em: Dùng những lời nói, ngôn từ châm biếm, gây thù oán, sỉ nhục nhân phẩm bạn bè, nhiều lời nói cay nghiệt, bắt ép bạn thực hiện những hành động nhục nhã… Những hành vi bạo lực này gây nên những tổn thương về mặt tinh thần cho nạn nhân/người bị bạo lực, gây nên sự lo lắng, bất an thậm chí là không dám đến trường.

3.2.3. Bạo lực tình dục

Một trong những  biểu hiện bạo lực đáng lên án nhất hiện nay đó chính là bạo lực về tình dục. Đó là những hành động cưỡng hiếp, quấy rối, đụng chạm phần nhạy cảm, gạ gẫm… Tất cả những việc làm trên đều để lại những tổn thương sâu sắc về cả thể chất lẫn tinh thần của nạn nhân. Đồng thời, những hành động này đều vi phạm quyền nhân sự và xúc phạm đến nhân phẩm của người khác.

3.2.4. Bạo lực qua mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, việc phát tán một đoạn clip nhạy cảm hay những hình ảnh tiêu cực rất đơn giản. Thế nhưng những lời nói trên mạng xã hội, những đoạn clip hay hình ảnh nhạy cảm phát tán cũng là một biểu hiện của bạo lực học đường mà ít ai để ý đến. 

4. Bạo lực học đường để lại nhiều hậu quả tiêu cực

Những hành động đánh nhau hay những lời nói xúc phạm cũng là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho nạn nhân, đặc biệt là ảnh hưởng về tâm lý. Những học sinh bị bạo lực sẽ phải sống trong cảm giác lo lắng, bồn chồn vì không biết khi đến trường mình sẽ bị đánh lúc nào. Chính điều này khiến cho việc học của các em ngày càng sa sút, bê tha.

Không những vậy, nạn nhân trong những lần bạo lực thường có những biểu hiện rối nhiễu hành vi, mất tự tin, lo sợ khi đến trường, điều này dẫn đến các em ngày càng ít nói, lầm lì, thậm chí là tự kỷ. Không những vậy, còn rất nhiều trường hợp vì ức chế tâm lý nhiều em học sinh đã tìm đến một cái chết thương tâm.

bạo lực học đường
Bạo lực học đường khiến nhiều em học sinh không dám đến lớp

5. Giải pháp nào để kết thúc bạo lực học đường?

Đối với cách giải quyết để không còn tình trạng bạo lực học đường có lẽ đến nay vẫn chưa có một biện pháp nào thỏa đáng. Về cơ bản, bạo lực học đường xuất hiện do ở chính sự thay đổi tâm lý ở các em. Do vậy, cách giải quyết tốt nhất là nhà trường và bố mẹ hãy luôn bên cạnh động viên các em để các em được phát triển toàn diện theo đúng độ tuổi của mình.

5.1. Về phía nhà trường

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, nhà trường cần đưa ra những giải pháp triệt để và cứng rắn để răng đe học sinh, làm gương cho sự phát triển của nhiều thế hệ học sinh khác. Theo đó, vai trò của nhà trường trong việc làm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường là rất quan trọng vì phần lớn thời gian của các em đều ở trường học.

Mặc dù tình trạng bạo lực học đường con đang diễn ra thường xuyên và liên tục nhưng nhà trường vẫn chưa đưa ra những biện pháp mạnh để giải quyết những tình trạng đó. Thường thì khi các em đánh nhau, nhà trường chỉ cho viết bản kiểm điểm hoặc mời phụ huynh để cùng nhà trường giải quyết vấn đề. Thực ra đây chỉ là một giải pháp tạm thời, không thể giải quyết triệt để tình trạng bạo lực học đường.

5.2. Về phía phụ huynh học sinh

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường xảy ra thì bố mẹ cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục con cái. Theo đó, quý bậc phụ huynh hãy dành thời gian cho con nhiều hơn, quan tâm con nhiều hơn. Chỉ có như vậy bố mẹ mới hiểu được những khó khăn con minh đang gặp phải, để từ đó hiểu con hơn và giúp con có một tâm lý thoải mái khi đến trường. Đồng thời, bố mẹ hãy chủ động hỏi han về tình hình đến lớp của con mỗi ngày.

Để tình trạng bạo lực học đường không còn là nỗi ám ảnh mỗi khi đến lớp của các con, bố mẹ và nhà trường hãy cùng chung tay giáo dục con cái, tạo nên một môi trường giáo dục lành mạnh. Hãy dạy con biết cách yêu thương giúp đỡ bạn bè, dạy con biết quý trọng từng con chữ mà thầy cô truyền đạt để “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”.

0/5 (0 Reviews)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây