Viêm Tụy Cấp Và Những Điều Cần Biết

Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhu mô tuyến tụy cấp tính với nhiều biến chứng khó lường. Bệnh thường xảy ra sau bữa ăn thừa đạm, dầu mỡ hay uống quá nhiều bia rượu. Vậy bệnh viêm tụy cấp có nguy hiểm không và cách phòng chống hiệu quả là gì?

1. Viêm tụy cấp là gì?

1.1. Định nghĩa

– Tuyến tụy có chức năng vừa là tuyến nội tiết (tiết insulin để kiểm soát lượng đường huyết) vừa là tuyến ngoại tiết (tiết các enzym tiêu hóa) của hệ tiêu hóa. Tụy có vị trí nằm ở giữa vùng bụng; phía sau dạ dày và được bao quanh bởi gan, lá lách, ruột non và dạ dày. Tụy tiết ra các enzym tiêu hóa giúp ruột non tiêu hóa thức ăn đồng thời tiết insulin và glucagon có tác dụng điều chỉnh đường huyết trong máu. Nó được phân làm 2 loại chính là viêm tụy cấp tính và viêm tụy mạn tính.

– Viêm tụy cấp tính là tình trạng viêm sưng đột ngột của tuyến tụy xảy ra trong thời gian ngắn. Khi bị viêm, chính các enzym trên tấn công lại tuyến tụy gây ra tổn thương, viêm sưng, viêm hoại tử có thể gây tử vong.

Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, đa số bệnh nhân đều hồi phục hoàn toàn. Khi bệnh diễn biến nặng, có thể dẫn đến biến chứng xuất huyết tụy, nhiễm trùng và hình thành nang giả tụy. 

– Viêm tụy mạn tính là tính trạng viêm tụy thời gian dài và xảy ra khi viêm tụy cấp tính bị tái đi tái lại nhiều lần. Thói quen uống nhiều rượu bia có thể hủy hoại tuyến tụy trong nhiều năm không triệu chứng. Đến một thời điểm đột nhiên xuất hiện các triệu chứng viêm tụy mạn tính.

viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là gì?

1.2. Nguyên nhân

Hiện nay có khoảng 80% nguyên nhân gây ra là do sỏi mật rơi xuống hoặc giun chui lên ống tụy, do uống quá nhiều đồ chứa cồn. Khoảng 20% trường hợp còn lại không tìm ra nguyên nhân gây bệnh (vô căn). Nguyên nhân chính gây bệnh như sau:

– Lạm dụng rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn cơ học tuyến tụy.

– Nguyên nhân gây tắc nghẽn hóa học có thể do sỏi mật rơi vào ống tụy, giun chui lên ống mật hay dị vật, u tụy hay u bóng Vater…

– Biến chứng sau khi nội soi mật – tụy ngược dòng hoặc phẫu thuật quanh vùng tuyến tụy.

– Do chấn thương mạnh đụng dập hay thương tổn vùng tụy gây viêm tụy cấp.

– Do rối loạn chuyển hóa như tăng canxi hoặc triglycerid trong máu,.

– Các nguyên nhân khác như virus, nhiễm khuẩn, ký sinh trùng, viêm dạ dày, chất độc hại hay tác dụng phụ của thuốc điều trị.

viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp do những yếu tố nào

1.3. Dấu hiệu nhận biết viêm tụy cấp

Theo thống kê hiện nay, khoảng 80% trường hợp mắc bệnh nhẹ, 20% còn lại bệnh tiến triển nặng với những triệu chứng lâm sàng như sau: 

– Đau bụng dữ dội: Chủ yếu gây đau vùng thượng vị kéo dài trong vài giờ. Cơn đau nhanh chóng lan ra sau lưng, hạ sườn 2 bên và lên ngực, thường xảy ra đột ngột sau khi ăn no quá thừa chất béo. Lúc này mọi cử động của cơ thể đều làm tăng cơn đau kể cả ho, hay hít thở sâu.

– Nôn mửa: Sau dấu hiệu đau bụng dữ dội thì đến 70% người bệnh sẽ bị buồn nôn và ói mửa. Tình trạng nôn không dứt, khó cầm, nôn ra dịch mật, nặng có thể nôn ra máu loãng. Triệu chứng bệnh viêm tụy cấp khiến cơ thể mất chất điện giải, mất nước làm người bệnh mệt mỏi, bủn rủn. 

– Nhiễm trùng: Sau 5 – 7 ngày, bệnh tiến triển nặng dẫn đến xuất huyết hoại tử, các biến chứng nghiêm trọng: như nhiễm trùng, chướng bụng, sưng, nhiễm độc.

Ngoài ra nếu có vết bầm quanh vùng rốn hoặc hông là dấu hiệu của xuất huyết nội tạng, có thể gây sốc và tử vong. Bệnh viêm tụy cấp còn đi kèm với những dấu hiệu như khó thở, sốt, mệt mỏi, tim đập nhanh, vàng da, mất nước, hạ huyết áp. 

2. Biến chứng nguy hiểm và cách điều trị:

2.1. Biến chứng của bệnh viêm tụy cấp

Nếu không được điều trị kịp thời sẽ diễn biến rất nhanh, phức tạp dẫn đến các biến chứng nặng ảnh hưởng đến các nội tạng khác trong cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm:

Viêm tụy cấp và những biến chứng cần biết

2.1.1. Tụ dịch quanh tụy

Khi bệnh nhân nhập viện do đau vùng thượng vị kèm nôn mửa thì tụ dịch quanh tụy chính là biểu hiện đầu tiên trên siêu âm giúp bác sĩ chẩn đoán viêm tụy cấp. Lúc này các tế bào tuyến tụy bị tổn thương nên vỡ ra, giải phóng bào tương chứa men tụy, làm tụ dịch xung quanh tuyến tụy. 

Trường hợp mức độ viêm nặng hoặc để chậm trễ không xử lý kịp thời, dịch viêm lan ra xung quanh sẽ là dẫn đến biến chứng nhiễm trùng trong ổ bụng hay hoại tử.

2.1.2. Nang giả tụy

Nang giả tụy là biến chứng tiếp theo xảy ra sau khi khởi phát viêm tụy cấp khoảng từ 2 đến 3 tuần. Lúc này men tụy bị giải phóng lại tạo mô xơ sợi khu trú dịch tụy. Các nang này có thể tự thông vào đường tụy, và tự thoái hóa sau vài tuần. Tuy nhiên, nếu nang quá lớn, chứa nhiều dịch, thời gian lưu trú có thể kéo dài. Đây là yếu tố thúc đẩy nhiễm khuẩn hay áp xe, do đó người bệnh cần được can thiệp bằng dẫn lưu sớm.

2.1.3. Hoại tử tụy

Chức năng ngoại tiết của tụy là sản xuất và cung cấp các men tiêu hóa cho ruột non, khi men tụy bị giải thoát thì chính tụy cũng sẽ bị men này tiếp tục tiêu hóa, gây hoại tử tụy. Khi nhu mô tụy càng bị tổn thương thì lượng men tụy thoát ra ngày càng nhiều, tạo thành vòng luẩn quẩn và hậu quả là bệnh viêm tụy cấp diễn biến vô cùng nặng nề.

2.1.4. Gây tắc mật

Như đã biết, tụy và hệ thống gan mật dùng chung một ống dẫn vào ruột non. Nó sẽ làm nhu mô bị sưng viêm, phù nề nên làm tắc nghẽn ống dẫn mật gây tắc mật. Lúc này dịch mật không tiêu thụ được mà gây ứ đọng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm chiếm và làm tổn thương chức năng gan.

2.1.5. Nhiễm trùng ổ bụng

Sau khi xảy ra các biến chứng viêm tụy cấp đầu tiên mà không được can thiệp. Dịch tụy ứ đọng lâu trong ổ bụng từ 1 đến 2 tuần, kéo dài sự viêm nhiễm rồi chuyển sang áp xe hóa tụy. Lúc này nếu không được kịp thời chữa trị, khối áp xe vỡ ra, dẫn đến viêm phúc mạc và  gây nhiễm trùng, nhiễm độc ổ bụng.

2.1.6. Xuất huyết

Các men của tuyến tụy sau được phóng thích sẽ đi vào trong máu đóng vai trò như một độc tố. Độc tố này làm thành mạch máu bị tổn thương và quá trình xuất huyết diễn ra mọi nơi dễ gây trụy tuần hoàn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Biến chứng viêm tụy cấp này xảy ra thường rất sớm chỉ trong vài ngày sau bệnh khởi phát.

viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp và những điều cần biết

2.1.7. Huyết khối

Khi thành mạch bị tổn thương, thoát ra ngoài có cả các chất có giúp chống đông máu. Khi mất đi chất trên, máu sẽ có nguy cơ tăng đông cao hơn. Hậu quả là lượng máu lưu thông trong cơ thể rất dễ hình thành huyết khối. Huyết khối ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các nội tạng vì nó làm tắc nghẽn mạch máu. Biến chứng nặng nề của gây hậu quả nghiêm trọng.

2.1.8. Suy đa tạng

Như đã biết men tụy sau khi bị giải thoát ra ngoài nhu mô sẽ kích hoạt quá trình phản ứng viêm của cơ thể, gây tổn thương các tạng. Bệnh nhân viêm tụy cấp dễ mắc phải suy hô hấp cấp do phù phổi, ứ đọng các chất độc do suy thận cấp, trụy mạch tuần hoàn do suy tim cấp và suy đa tạng, kể cả hệ thần kinh. Nếu lúc này bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời thì hệ quả tất yếu là gây tử vong.

2.1.9. Viêm tuỵ mạn

Viêm tụy mạn sẽ là kết quả khi người bệnh bị viêm tụy cấp tái đi tái lại nhiều lần mà không được điều trị khỏi. Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý này là do nghiện rượu gây ra nhiều lần trên nền nhu mô tụy bị viêm mạn tính. 

2.2. Cách điều trị

Điều trị có thể bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa cụ thể như sau:

– Điều trị nội khoa là điều trị từ triệu chứng, giảm đau, chăm sóc, … có thể kết hợp biện pháp lọc máu liên tục (CRRT).

– Điều trị can thiệp ngoại khoa là điều trị từ nguyên nhân viêm tụy cấp như lấy giun, lấy sỏi, phẫu thuật túi mật, cai nghiện rượu, phẫu thuật tụy…

Hiện nay 90% trường hợp viêm tụy cấp là thể phù, phác đồ điều trị trong 1 tuần chủ yếu bằng phương pháp nội khoa. Khi các triệu chứng đau có chiều hướng giảm nhiều mới cho bệnh nhân ăn, đầu tiên là nước đường, sau đến nước cháo đường, rồi ăn cháo loãng để giảm sự tiết dịch.

Căn cứ vào nguyên nhân và triệu chứng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc điều trị giảm tiết hay kháng sinh cho thích hợp.

Những bệnh nhân đã có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường ống mật hay sau bữa ăn có uống nhiều bia, rượu liền bị đau bụng, phải đến ngay bệnh viện uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh xảy ra các biến chứng viêm tụy cấp nặng nề gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

viêm tụy cấp
Rượu bia gây tác động mạnh

3. Điểm cần lưu ý

Viêm tụy cấp là 1 bệnh lý rất nguy hiểm đòi hỏi mọi người phải ưu tiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngăn ngừa các nguyên nhân phát bệnh như sau:

– Hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn và bỏ hút thuốc lá.

– Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sỏi tụy, sỏi mật.

– Điều trị và theo dõi thường xuyên bệnh nhân tăng triglyceride để kiểm soát bệnh.

– Xây dựng 1 chế độ sinh hoạt khoa học. Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, ít chất béo, tăng cường các trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và protein có lợi là điều phải làm và nên làm của người bị viêm tụy cấp cũng như tất cả mọi người.

– Tăng cường uống nhiều nước, từ 1- 2 lít nước mỗi ngày. Nó có thể gây mất nước, vì vậy bạn cần cung cấp đủ nước mỗi ngày cho cơ thể tùy vào tình trạng mất nước nhiều hay ít.

– Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phác đồ hỗ trợ điều trị phù hợp nhất và hiệu quả nhất.

4. Kết luận

Bài viết vừa trang bị cho tất cả mọi người những kiến thức cơ bản cần biết về bệnh viêm tụy cấp. Mặc dù tuyến tụy chỉ là 1 cơ quan nhỏ nằm trong ổ bụng như khi bị viêm nhiễm, thì tình trạng bệnh diễn tiến nhanh với các biến chứng nặng nề, dễ gây tử vong nếu không được kịp thời chữa khỏi. Do vậy, để ngăn ngừa và hỗ trợ kiểm soát bệnh, người bệnh cần điều chỉnh lối sống lành mạnh và khoa học đem lại chất lượng cuộc sống cao hơn. 

Xem thêm:

0/5 (0 Reviews)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây